(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại Đức phát hiện ra rằng trẻ em sống gần các khu vực ô nhiễm không khí, đặc biệt là gần những tuyến đường giao thông đông đúc, có nhiều nguy cơ phát triển kháng insulin dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.
Các nhà khoa học tại Munich, Đức đã nghiên cứu mẫu máu của 397 trẻ 10 tuổi và tính toán lượng khói thải trung bình mà mỗi trẻ phải tiếp xúc hàng ngày.
Kết quả cho thấy trẻ em sống gần những khu vực có mức độ các chất ô nhiễm như Nitrogen Dioxide trong không khí cao hơn có nhiều nguy cơ phát triển kháng insulin. Cứ gần thêm 500 mét, nguy cơ tăng thêm 7%.
Các chất gây ô nhiễm không khí cũng có thể phản ứng với các chất béo và protein gây tổn thương tế bào hoặc dẫn đến viêm nhiễm trong cơ thể. Cả hai vấn đề này đều gây kháng insulin, các nhà nghiên cứu cho biết. Trẻ em dễ bị ô nhiễm không khí do kích thước phổi lớn so với tỉ lệ cơ thể và có sức đề kháng yếu.
Tiến sĩ Joachim Heinrich, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho hay: “Cho dù vấn đề ô nhiễm không khí liên quan đến việc tăng kháng insulin ở độ tuổi đi học có bất kỳ ý nghĩa lâm sàng gì hay không, thì kết quả của nghiên cứu này cũng củng cố quan điểm cho rằng nguồn gốc bệnh tiểu đường ở người trưởng thành là do môi trường”.
Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục lên kế hoạch theo dõi tình trạng sức khỏe của những trẻ được chuyển đến sinh sống tại các khu vực trong lành hơn trong vòng 15 năm.
Tiến sĩ Matthew Hobbs, giám đốc Viện nghiên cứu Tiểu đường Anh, cho biết: “Mặc dù nghiên cứu thể hiện một mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí ở trẻ em và nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Tuy nhiên, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để rút ra kết luận chắc chắn”.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí về tiểu đường The journal Diabetologica.
Bình luận từ Facebook
Phản hồi